Báo động đỏ Ai bảo vệ rạn san hô biển gần bờ

Hệ sinh thái biển gần bờ trên vịnh Nha Trang, đặc biệt là san hô luôn cần sự cân bằng và tránh các tác động tiêu cực (nước thải, rác thải…). Thế nhưng, trên vịnh biển này, bên cạnh nhiều rạn đá san hô ngầm lớn đã chết do nạn khai thác đá vôi vô tội vạ thì các khu vực đảo khác đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ chính con người.​

Nhiều rạn san hô gần bờ đã chết

Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, có diện tích mặt nước khoảng 12.200ha, bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ với đường bờ biển dài trên 15km, đây là nơi có điều kiện khá lý tưởng cho sự phân bố rạn san hô. Các nghiên cứu cho thấy, tổng diện tích rạn san hô ở vịnh Nha Trang là 731ha, phân bố xung quanh hầu hết các đảo trong vịnh và Bãi Cạn Lớn (Granband).

Trong thời gian qua, các hoạt động phát triển kinh tế trên các đảo trong vịnh cũng như nhu cầu du lịch lặn biển ngắm sinh vật biển ngày càng tăng đã khiến rạn san hô ở đây đã và đang chịu nhiều áp lực. Kết quả nghiên cứu của TS Võ Sĩ Tuấn (2011) về “Biến động đa dạng sinh học rạn san hô vịnh Nha Trang và các giải pháp quản lý” đã nêu ra sự mất mát và thay đổi cấu trúc quần xã, suy giảm nguồn lợi và các mối đe dọa rạn san hô do hoạt động của con người và tai biến thiên nhiên, qua đó đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bền vững rạn san hô.

Từ năm 1990 – 1995, nạn khai thác đá vôi vô tội vạ để sản xuất vật liệu xây dựng đã phá hủy gần như toàn bộ san hô tại khu vực vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, các cống thải sát bờ biển cũng đã làm ảnh hưởng, suy thoái rạn san hô ở đây. Vừa qua, người dân phường Vĩnh Phước đề nghị UBND TP. Nha Trang có biện pháp làm sạch các rạn san hô chết khu vực biển đường Phạm Văn Đồng để phục vụ cho nhân dân tắm biển. Tuy vậy, UBND TP. Nha Trang cho rằng, dù phần lớn rạn san hô đã chết nhưng đây là giá thể quan trọng cho việc phục hồi hệ sinh thái, đồng thời là nơi trú ngụ và sinh sản cho các thủy sản, bảo vệ vùng bờ tránh xói mòn và là thành phần quan trọng trong việc tạo bãi tắm (giữ cát không bị trôi đi). Vì vậy, ý kiến làm sạch các rạn san hô tại khu vực này là không đúng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành hải dương học, việc phục hồi tự nhiên của các rạn san hô tại nhiều điểm trên vịnh Nha Trang là gần như không thể vì tình trạng khai thác quá mức, không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền.

Nhiều vấn nạn “đáng lo” khác, nhưng ai lo?

Thời gian qua, trên vịnh Nha Trang nổi lên dịch vụ lặn biển. Đã xảy ra tình trạng lặn biển trái phép gây ra nhiều hệ lụy, nhưng điều lo ngại hơn là nạn xả rác, thức ăn thừa xuống biển, gây áp lực lớn lên các rạn san hô. Ông N.H.M.T, một hướng dẫn viên lặn biển ở Nha Trang rất bức xúc và đưa nhiều hình ảnh san hô chụp ở khu vực phía bắc và phía nam trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Hình ảnh cho thấy rạn san hô bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải. “Cá thì mất dần, san hô thì chết héo, đáy biển toàn rác, nạn săn bắt cá trộm, chia khu và cấm cản khu vực còn dành riêng cho đánh bắt cá bằng lưới công khai…” – ông T bức xúc.

Anh Phương, một hướng dẫn viên lặn biển ở vịnh Nha Trang cũng thở dài: “Hệ sinh thái luôn cần sự cân bằng. Có những loài cá ăn rong biển mà một trong đó là cá Mó. Nạn săn bắt không có chọn lọc và kiểm soát là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này”. Theo anh, các công ty lặn ở Hòn Mun thường cho cá ăn nhằm mục đích làm cho chúng thân thiện với khách lặn hơn. Nhưng việc này làm cá no nê và không kiếm mồi hay cụ thể hơn là không ăn rong nữa. Phần thức ăn thừa cũng làm tăng tình trạng ô nhiễm nước. “Tôi mong các bạn hãy dừng ngay việc cho cá ăn để góp phần làm giảm tình trạng rong biển phát triển” – anh chia sẻ và cho biết, cách đây chưa lâu là nạn sao biển gai, còn bây giờ là rong biển. “Rạn san hô là ngôi nhà của hàng triệu sinh vật là nguồn sống, miếng cơm manh áo của nhiều người. Nhưng chúng ta đang làm gì với “cái cần câu cơm” của chính mình vậy. Mình đã có trao đổi với một bạn làm công tác nghiên cứu, cách xử lý tạm thời là thu gom rong biển, ngăn chặn chúng tiếp xúc trực tiếp với san hô. Đã đến lúc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung, mà cũng là cái “cần câu cơm” của chúng ta rồi” – lời thở than của anh với đồng nghiệp và cộng đồng mạng.Kiều Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.