Làm thế nào phục hồi rạn san hô ở vùng biển Phú Yên?

“San hô phát triển mỗi năm chỉ dài khoảng 1 cm nên phải mất thời gian dài mới có thể phục hồi được”, ông Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nói.

Tháng 7, mùa cao điểm du lịch. Khởi đầu kỳ nghỉ hè, hàng nghìn lượt khách trong nước, quốc tế đến Phú Yên tham quan các điểm du lịch biển nổi tiếng như thắng cảnh Hòn Yến, Hòn Nưa, Hòn Chùa, Vũng Rô, Bãi Môn… Tuy nhiên đặt chân đến đây, du khách bất ngờ khi chứng kiến hàng tấn san hô chết bị sóng đánh dạt vào bờ dày đặc ở các bãi tắm.

“Nhìn con trẻ cầm những con sao biển chết khô, cành san hô đứt gãy vui đùa mà tôi cảm thấy buồn. Hai năm trước, tôi từng lặn ở vùng biển nơi đây thấy rạn san hô còn tuyệt đẹp nhưng đến nay hệ sinh thái khu vực này đã mất đi quá nhiều”, anh Nguyễn Văn Tuyến (ngụ ở TP.HCM) cho biết.

Thắng cảnh Hòn Nưa (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Minh Hoàng.

San ho chet o Phu Yen anh 1
Thắng cảnh Hòn Nưa (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Minh Hoàng.

Trước thực trạng san hô chết hàng loạt ở Phú Yên, Khánh Hòa, PGS.TS Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, lo lắng các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản. Do đó, khi san hô chết hàng loạt và dần biến mất đồng nghĩa sản lượng cá tôm giảm, giá trị sinh thái bền vững của biển cũng không còn.

San hô chết do đâu?

Ông An phân tích san hô chết hàng loạt tấp vào bờ ở Phú Yên là do quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hệ sinh thái san hô ở vùng biển miền Trung, trong đó có Phú Yên đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế.

Thời gian qua, hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển ở Phú Yên vẫn chưa xử lý kịp thời như: Khai thác, nuôi trồng thủy sản còn bất cập, xây các công trình ven biển không đúng quy định, hoạt động du lịch xả thải..

“Nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô là tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021. Về chủ quan, rạn san hô chết là do công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thùy Dương, cán bộ nghiên cứu về sinh học – sinh thái biển, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, phân tích nhiều nguyên nhân. Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng kéo theo nền nhiệt tăng (chỉ cần lên thêm 0,5 đến 1 độ C) vượt ngưỡng chịu đựng của loài san hô cũng có thể gây ra hiện tượng “tẩy trắng”.

San hô chết bị sóng đánh dạt vào bờ dày đặc ở Phú Yên. Ảnh: Minh Hoàng.

San ho chet o Phu Yen anh 2
San hô chết bị sóng đánh dạt vào bờ dày đặc ở Phú Yên. Ảnh: Minh Hoàng.

Bà Dương cho biết thêm tình trạng nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường, các đơn vị khai thác du lịch lặn biển ồ ạt, du khách vô tình hay cố ý dẫm đạp lên san hô chụp ảnh… cũng gây suy giảm rạn san hô nghiêm trọng. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là cơ quan chức năng cần có giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng cùng doanh nghiệp, Nhà nước chung tay bảo vệ rạn hô thì mới đạt hiệu quả.

Theo người dân địa phương, ngoài yếu tố tác động do thiên tai, những năm gần đây nhiều tàu đánh cá bắt giã cào, quét sạch sinh vật biển từ nhỏ đến lớn, là nguyên nhân khiến san hô gãy đổ, hư hại. Hay tình trạng làm lồng bè quanh các khu vực Hòn Yến, Hòn Chùa, Vũng Rô… nuôi trồng thủy sản dày đặc đồng nghĩa với việc gia tăng xả thải ra môi trường biển gây xâm hại lớn đến rạn san hô.

Tìm giải pháp bảo tồn san hô

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, quyền Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Phú Yên, xác nhận thời gian gần đây rạn san hô chết bị sóng đánh dạt vào các bãi tắm Hòn Chùa, Hòn Nưa khá nhiều. Đặc biệt, tại danh thắng quốc gia Hòn Yến, những thời điểm thủy triều xuống thấp, rạn san hô xuất lộ đã thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan.

“Nhiều người vô tình hoặc cố ý giẫm đạp làm cho rạn san hô nơi đây bị đứt gãy. Thời gian tới, chúng tôi yêu cầu các địa phương phối hợp cùng đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch nhắc nhở, chấn chỉnh người dân, du khách trong việc bảo vệ san hô ở Hòn Yến”, bài Thái nói.

Còn ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho rằng du khách giẫm lên san hô ở Hòn Yến để chụp ảnh là ứng xử thiếu văn minh với di sản thiên nhiên nơi đây.

“Để bảo tồn rạn san hô ở danh thắng quốc gia này, chúng tôi đã cho giăng dây bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này. Tỉnh cũng khởi động dự án bảo tồn san hô Hòn Yến với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với nguồn kinh phí khoảng 3,2 tỷ đồng”, ông Khoa chia sẻ.

Lồng bè thủy sản ở thắng cảnh Hòn Chùa, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: M. Hoàng.

San ho chet o Phu Yen anh 3
Lồng bè thủy sản ở thắng cảnh Hòn Chùa, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: M. Hoàng.

Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đề nghị Phú Yên phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, điều tra, khảo sát để có báo cáo cụ thể, chính xác về hiện trạng, nguyên nhân gây chết hàng loạt rạn san hô ở Phú Yên. Để bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô cần có sự chung tay của người dân, du khách, doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức cho ngư dân bảo vệ môi trường biển; hướng dẫn doanh doanh nghiệp khai thác hoạt động du lịch phù hợp tránh tác động xấu hệ sinh thái biển.

Chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang nhận định san hô có hai hình thức sinh sản là đẻ trứng (hữu tính) và nẩy chồi (vô tính). Những san hô gãy đổ nếu còn sống vẫn có thể nuôi cấy được, song mất rất nhiều thời gian. Mỗi năm san hô cành phát triển chỉ từ 1 đến 10 cm, san hô khối phát triển 1 cm. Để nuôi được một rạn san hô thành công có khi phải mất tới hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm.

Về lâu dài, địa phương cần mời gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái biển bền vững.

Sau hai năm khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga ghi nhận ở vùng biển Phú Yên có khoảng 122 loài san hô, riêng tại khu vực Hòn Yến và phụ cận đã ghi nhận 22 loài thuộc 7 họ.

Cụ thể là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae (giống Lobophytum) và san hô Lỗ đỉnh Acroporidae với các đại diện là Montipora sp., Acropora spicifera. Một số loài san hô thuộc họ khác như Agariciidae, Merulinidae, Poritidae, Psammocoridae cũng được ghi nhận.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.