San hô chết-báo động đỏ

Với tôi, các nhà khoa học ở Chi nhánh Ven biển thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga là những người tuyệt vời bởi họ có tình yêu vô bờ bến với biển và hệ sinh thái biển. Họ có mặt ở mọi nơi trên đất liền đã là một nhẽ, nhưng sự hiện diện của họ ở dưới biển sâu hun hút, lạnh lẽo, áp suất cao để tìm ra nơi cư trú, tập tính của sinh vật biển mới là điều đáng nói.

Để làm được công việc nghiên cứu hệ sinh thái biển hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên của họ là phải có kỹ năng lặn biển. Nam biết lặn biển và nữ nghiên cứu viên cũng phải trở thành người nhái, làm bạn với sinh vật biển bất kể ngày hay đêm. Họ lặn biển để làm các đề tài nghiên cứu hợp tác của hai nước Việt-Nga đã ký kết. Họ lặn biển để nghiên cứu những đề tài riêng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Sau khi các đề tài được nghiệm thu, họ đã cảnh báo hiện tượng hủy diệt rạn san hô trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng dường như chưa được các cấp chính quyền và xã hội lắng nghe. Nhưng bằng trách nhiệm, họ vẫn âm thầm tìm ra quy trình công nghệ để phục hồi rạn san hô, hướng tới bảo tồn, tái tạo thủy cung đang rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

San hô chết-báo động đỏ
 Rạn san hô tại Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bị chết. Ảnh: HÙNG DŨNG.

Hơn 8 giờ sáng ngày thứ 7 (11-6), chúng tôi theo chân các nhà khoa học của Phòng Nghiên cứu Sinh thái biển lên tàu gỗ ở cảng Cầu Đá, cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 3km để ra hòn Rơm khảo sát rạn san hô. Đây là một trong những địa điểm du lịch nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Nhiều năm trước, khi mà du lịch lặn biển ở các địa phương ven biển miền Trung và phía Nam còn nằm trên giấy thì nơi đây đã rất nổi tiếng, thu hút rất đông du khách nước ngoài.

Tàu đến hòn Rơm, Đại úy Phan Trọng Huân và đồng đội nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề lặn biển cùng các chuyên gia người Nga. Huân đã có 5 năm làm trợ lý nghiên cứu. Trong những đồ nghề của Huân tôi đặc biệt chú ý đến con dao găm lưỡi đã gỉ sét với nhiều tính năng không chỉ để cắt, cắm, đo kích thước vật thể.

Huân bảo, trên con dao này có đồng hồ để đo áp suất, độ sâu, tính thời gian và những tác dụng khác. Ngoài lặn ban ngày, tuỳ theo hướng nghiên cứu và yêu cầu nhiệm vụ, các cán bộ, nghiên cứu viên còn phải lặn ban đêm. Khi lặn đêm thì phải mang theo bộ đèn khá đắt đỏ. Huân chia sẻ, trong Phòng Nghiên cứu Sinh thái biển có 10 cán bộ, nghiên cứu viên, trong đó có 6 nữ và 4 nam thì cả 10 người đều có chứng chỉ lặn.

Thực tế thì tùy theo công việc, nhưng một tuần họ thường đi lặn ít nhất cũng là hai buổi và nhiều thì 4 buổi. Mỗi buổi phải làm việc dưới biển khoảng 4 giờ đồng hồ. Việc lặn biển ban đêm hay lặn biển trong ngày nghỉ đã là lẽ thường vì tiến độ công việc phụ thuộc vào tập tính các loại sinh vật biển cần nghiên cứu.

San hô chết-báo động đỏ
 Tàu tuần tra của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang ít khi di chuyển thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: VĂN BÌNH.       

Huân cười: “Yêu thích và làm việc mới là cốt. Bởi nếu nhìn và so sánh thì muốn bỏ nghề luôn. Bởi mỗi buổi lặn biển nghiên cứu chỉ được bồi dưỡng 250.000 đồng/ngày, nhưng một người làm nghề lặn biển có thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/giờ là thường”.

Trong lúc các nhà khoa học làm việc dưới đáy biển sâu khoảng 5-7m, trò chuyện với Thượng tá, TS Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu Sinh thái biển, tôi được nghe nhiều câu chuyện về cái duyên và sự say nghề. Năm 10 tuổi chị theo ba mẹ vào Nha Trang và gắn bó với xứ trầm hương. Theo chị, nhiều người yêu mảnh đất, con người xứ trầm hiền hòa, nhưng chị yêu xứ trầm bởi nơi đây, dưới mặt nước vịnh Nha Trang có một thủy cung đẹp vô tận mà có khám phá cả đời không hết.

Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản (nay là Đại học Nha Trang) năm 1998, chị được giữ lại làm giảng viên. Nhưng do một chút ngông nghênh tuổi trẻ, chị đã từ bỏ công việc giảng viên vì cho rằng không vượt qua được bóng quá lớn của ba mình, người đặt nền móng xây dựng Trường Đại học Thủy sản. 

Qua người quen giới thiệu, chị nộp đơn xin vào Chi nhánh Ven biển với vai trò là nghiên cứu viên với mức lương 500.000 đồng/tháng thay vì các công ty thủy sản mời gọi với mức lương tới 7 triệu đồng/tháng. Chị công tác từ đó đến nay và gắn trực tiếp với công việc nghiên cứu san hô.

“37 năm qua tôi mò mẫm gần như khắp đáy vịnh Nha Trang và nhiều vùng biển khác để khảo sát, nghiên cứu sự phát triển của sinh vật biển và san hô theo các đề tài. Trước kia tự hào nó đẹp bao nhiêu thì nay đau xót bấy nhiêu vì các rạn san hô đã chết trắng” – chị Thanh cảm thán và hướng mắt nhìn vào vô định trên vịnh Nha Trang mênh mông, ngập nắng.

San hô chết-báo động đỏ
Các nhà khoa học Chi nhánh Ven biển làm việc dưới đáy biển. Ảnh: TUẤN HUY.

Với chị, san hô giống như người bạn rất thân thiết đến độ khiến chị từng bỏ ăn, mất ngủ. Chị ham, say việc nghiên cứu đến độ thường xuyên phải gửi con gái út 6 tuổi sang hàng xóm trông hộ để đi làm. Bố cháu đảm nhận thiên chức người mẹ khi chị bận. 

Chị bảo, các loài san hô có đặc tính chung là rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, dòng chảy, độ mặt và nhiều yếu tố khác. Chúng phát triển rất chậm, có loài chỉ tăng được 1-2cm/năm, nhưng cũng có loài dễ thích nghi, tăng trưởng đạt tới 12cm/năm. Hàng triệu năm nằm dưới đáy đại dương, các rạn san hô phát triển yên bình giúp tạo ra sự cộng sinh cho các sinh vật biển. Quá trình phát triển, con người khai thác từ rong biển, hải sản bé tí cho đến con to…. 

Một vết chân người cũng làm mất 10cm2 rạn san hô, một cái neo tàu thả xuống cũng khiến hơn mét vuông rạn san hô bị hủy hoại và phải mất hàng chục năm mới phục hồi được. Những tác động đó đã khiến các rạn san hô biến mất. Biển sẽ chết dần chết mòn vì không có rạn san hô. Chị tâm tình, hiện tượng các rạn san hô bị chết, bị suy thoái, biến mất khỏi bản đồ đã không còn là điều quá mới mẻ. Chị cho tôi một tài liệu ngắn gọn với những thông tin không mấy sáng sủa. 

Theo đó, vào 3-2016, do hiện tượng El Nino làm nước biển nóng lên bất thường đã khiến rạn san hô Côn Đảo bị tẩy trắng khoảng 500ha, chiếm khoảng 1/4 diện tích san hô ở vùng biển Côn Đảo. Độ sâu san hô bị tẩy trắng từ 3 đến 15 mét. Tại vùng biển Phú Quốc, diện tích rạn san hô bị tẩy trắng trung bình 56,6% do cả phía con người và tự nhiên.

Khi về đất liền, chị gửi cho tôi một clip ghi lại hiện tượng người dân lặn biển bắt cá bằng bắn độc chất xyanua do cộng tác viên của chị thu thập phục vụ một đề tài nghiên cứu. Chị nghẹn giọng, chất độc này lan vào trong nước, khiến san hô chết từ từ, đen dần và trắng rồi gãy vụn. 

11 giờ, đúng lúc nắng đã như ở đỉnh đầu cũng là thời điểm khách du lịch đến hòn Rơm lặn biển đông nhất. 4 chiếc tàu du lịch cặp kè nhau trên một bãi nước trong xanh biếc như những cặp tình nhân. Trên mặt boong trước của các tàu gỗ, nhiều khách du lịch đã mặc áo giữ nhiệt và khởi động để đi lặn.

Ở phía đuôi tàu, các huấn luyện viên lặn biển cũng mặc đồ lặn và đeo bình ô-xy để xuống biển. Họ thay phiên nhau hướng dẫn các khách du lịch lặn biển trong khoảng hơn 20 phút rồi lên bờ nghỉ và chờ đến lượt tiếp theo. Sau khi lặn xong và lên bờ hong tóc, chị Trương Thị Ngọc, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh thổ lộ rất thất vọng vì rạn san hô suy thoái, không đẹp như quảng cáo.

Chị Tạ Hoàng Kim, huấn luyện viên lặn biển có thâm niên gần 20 năm bức xúc cho rằng, nguyên nhân khiến rạn san hô vịnh Nha Trang suy thoái là do cơ quan chức năng chưa quản lý tốt, để ngư dân khai thác tận diệt. Chị kể, nhiều lần lặn biển chị phát hiện ra những tấm lưới bị rách mắc vào rạn san hô gốc.

Rõ ràng là nhiều tàu đánh cá của ngư dân đã tranh tối tranh sáng vào vùng lõi khu bảo tồn để khai thác hải sản mà không bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Việc kéo lưới của họ với các tấm chì nặng, nằm sát đáy biển đã tàn phá các rạn san hô nghiêm trọng.

Đến chiều 15-6, trong buổi làm việc với Đại tá, TS Nguyễn Như Hưng, Phụ trách Giám đốc Chi nhánh Ven biển, chúng tôi thu được nhiều thông tin hữu ích. Từ ngày 12-6, TS Nguyễn Như Hưng liên tục bận làm việc với các nhà quản lý của tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa về vấn đề bảo tồn hệ sinh thái biển mà trọng tâm là bảo tồn các rạn san hô. 

TS Nguyễn Như Hưng cho biết, trong hệ sinh thái biển thì hệ sinh thái san hô là một trong những hệ sinh thái phức tạp, đa dạng và quan trọng, nhạy cảm nhất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do khai thác du lịch quá mức, do khai thác hải sản tận diệt và do rác thải cùng những sinh vật phù du có hại nên các rạn san hô đang suy thoái trầm trọng và rơi vào “báo động đỏ”.

TS Nguyễn Như Hưng rất bất bình với hiện tượng lấp dưới danh nghĩa bảo tồn rạn san hô để lấy mặt nước biển kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở một số địa phương. Anh nói rằng, muốn bảo tồn, tái tạo thủy cung thì phải hiểu và đầu tư, nâng đỡ, phát triển các rạn san hô một cách bài bản, có hệ thống và kiên trì. 

THẮNG TUẤN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.