Bảo tồn rạn san hô biển tự nhiên

Không phải tất cả các rạn san hô trên thế giới đều ở trong tình trạng xấu. Một số đang phát triển tốt nhờ sự quản lý hiệu quả của con người.

Các rạn san hô, nơi cư trú của một phần tư các loài sinh vật biển, hiện đang ở trong tình trạng xấu. Bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ nước biển tăng, sự axit hóa nước biển, bão… tốc độ sinh trưởng của san hô đã giảm 40% kể từ năm 1970. Nhiều vùng san hô đã bị bạc trắng. Gần đây, rạn san hô nổi tiếng Great Barrier Reef ngoài khơi Australia đã xuất hiện vụ bạc màu tồi tệ nhất trong lịch sử, nhà bảo tồn sinh học biển người Mỹ Joshua Cinner cho biết.
Tuy nhiên, Cinner và các đồng nghiệp đã nỗ lực tìm những “điểm sáng” trong bức tranh màu tối. Họ tìm kiếm những rạn san hô có nhiều cá cư trú để so sánh với các rạn san hô khác.

“Trái với những gì bạn nghĩ, những “điểm sáng” này không phải là các rạn san hô ở những vùng biển vắng người hoặc việc đánh cá bị cấm. Hầu hết các rạn san hô này là nơi có nhiều người đánh bắt” – ông Cinner nói.

Ông Cinner đã thu thập dữ liệu về 2.514 rạn san hô của 46 nước. Nhóm của ông đã tạo một thuật toán có thể tính ra số cá cư ngụ trong một rạn san hô. Nhóm nghiên cứu phân tích các yếu tố, bao gồm độ sâu của nước, quy mô dân số, du lịch, việc đánh bắt cá, các rạn san hô có được bảo vệ hay không,… Cuối cùng, họ đã xác định được 15 “điểm sáng” và 35 “điểm tối”. Một số vùng san hô ở quần đảo Hawaii, nơi ít người đến đánh cá là những “điểm tối”, trong khi đó, 15 “điểm sáng” lại ở những vùng có đông dân đánh cá.

Nhóm khảo sát của Cinner nhận ra, những “vùng tối” đa phần từng bị bão biển tấn công hoặc có hiện tượng san hô bị bạc trắng. Ngược lại, người dân ở những “điểm sáng” sống phụ thuộc vào rạn san hô, họ tham gia việc quản lý chúng và tuân thủ những điều cấm trong cộng đồng. Họ không khai thác bừa bãi san hô và cá, thay vào đó, họ xây dựng và thực hiện các quy ước, lập các tổ chức để quản lý các rạn san hô một cách có trách nhiệm.
Lấy thí dụ, người dân đảo Karkar tại Papua New Guinea thực hành quản lý biển theo “quyền sở hữu đại dương”: dân làng có quyền ngăn những người nơi khác xâm nhập vùng biển của họ.

Cũng có thời điểm họ buộc phải ngừng bắt cá ở các vùng biển san hô trong nhiều tháng, để cho các đàn cá có thời gian phục hồi.
Nghiên cứu của Cinner cho thấy, các nhà hoạch định chính sách có thể bảo tồn các rạn san hô bằng cách giúp người dân quanh vùng chung sống với san hô một cách bền vững, trao cho họ quyền quản lý rạn san hô, giống như cách chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam giao rừng cho dân quản lý.

13
Bảo tồn rạn san hô biển tự nhiên 4

“Sự tham gia của người địa phương vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn các rạn san hô”, Cinner nói. “Chúng ta cần làm hai việc. Một là nêu cao ý thức bảo tồn của người dân, không khai thác san hô quá mức. Hai là giảm lượng khí thải carbonic. Nếu thế giới tiếp tục bị “hâm nóng” bởi sự nóng lên toàn cầu, triển vọng của các rạn san hô và hàng triệu người sống phụ thuộc vào chúng sẽ rất ảm đạm”, ông nói.

Nền tảng sinh thái biển

Việt Nam có hơn 1.200 km2 rạn san hô, được phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn tại vùng vịnh Nha Trang, Ninh Thuận và Côn Đảo.

Theo các nhà hải dương học, những rạn san hô chính là biểu hiện đầy đủ của hệ sinh thái ven biển, là nền tảng của hệ sinh thái ngoài khơi. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, san hô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ biến mất do hoạt động khai thác san hô làm đồ thủ công mỹ nghệ… Nguy hại nhất là cách khai thác san hô và bắt cá bằng thuốc nổ. San hô không chỉ mất đi do bị khai thác mà còn do ô nhiễm môi trường. San hô suy thoái đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh bị suy giảm nghiêm trọng, và mất con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ.

So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ rạn san hô bị đe dọa nhiều nhất, cùng Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia. Sau khi khảo sát 200 điểm rạn san hô ven bờ biển Việt Nam, các nhà khoa học kết luận, trong khoảng10 năm qua, độ phủ của san hô đã suy giảm đáng kể. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Việt Nam nhận định: Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay.

Để môi trường biển phục hồi, bền vững, Việt Nam cần tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý tài nguyên môi trường biển. Đặc biệt, cần tăng cường sự tham gia của người dân vào các kế hoạch quản lý, phục hồi nguồn tài nguyên, môi trường biển; đồng thời, triển khai và nhân rộng các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho các nhóm đối tượng là hộ nghèo, đang sống lệ thuộc vào nguồn tài nguyên môi trường biển, ông Tuấn nói.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.