Khó khôi phục san hô hư hại ở biển Nha Trang

KHÁNH HÒAPGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng san hô phát triển chậm, mỗi năm chỉ dài chừng một cm, nên rất khó khôi phục rạn san hô hư hại ở biển Nha Trang.

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói trước thực trạng nhiều diện tích san hô ở khu bảo tồn Hòn Mun, thuộc vùng lõi vịnh Nha Trang, bị hư hại, đổ gãy.

Kết quả khảo sát của Ban quản lý vịnh Nha Trang đầu năm nay, so với năm 2015, rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng, ở khu vực đông bắc đảo độ phủ san hô từ 54% xuống còn 32%; khu đông nam từ 52% còn 11%; khu tây nam chỉ còn 8%… Tại một số vị trí, tổng diện tích san hô hư hại lên tới hàng trăm m2, thậm chí san hô bị xoá trắng.

San hô ở biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, suy giảm nghiêm trọng, tháng 6/2022. Ảnh: Kha Mai
San hô ở biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, suy giảm nghiêm trọng, tháng 6/2022. Ảnh: Kha Mai

“Ngoài thiên tai và biến đổi khí hậu, hệ sinh thái san hô biển Nha Trang giảm mạnh còn do tác động của các công trình xâm lấn biển”, ông An nói và cho rằng hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế, du lịch. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của địa phương, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó. Các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng nguồn lợi thuỷ sản. Do đó khi san hô chết hàng loạt và dần biến mất đồng nghĩa sản lượng cá tôm giảm, giá trị bền vững của biển cũng không còn.

Đồng tình về giá trị mà san hô đem lại cho hệ sinh thái biển, thạc sĩ Thái Minh Quang, nghiên cứu viên của Viện Hải dương học, cho biết san hô là nơi trú ngụ của vô số động thực vật biển. Nhiều loài dù không thường xuyên ở nhưng tới mùa sinh sản chọn rạn san hô để sinh nở, nuôi dưỡng… Vì vậy san hô biến mất sẽ ảnh hưởng vòng đời của nhiều sinh vật biển.

Theo ông Quang, san hô có hai hình thức sinh sản là đẻ trứng (hữu tính) và nẩy chồi (vô tính). Những san hô gãy đổ nếu còn sống vẫn có thể nuôi cấy được, song mất rất nhiều thời gian. Bởi mỗi năm san hô cành phát triển 1-10 cm, san hô khối phát triển một cm.

San hô chết dưới biển Hòn Mun. Ảnh: Nguyễn Sơn
San hô chết dưới biển Hòn Mun. Ảnh: Kha Mai

TS Nguyễn Tác An nói nuôi cấy san hô ở Việt Nam có từ chục năm qua, song việc khôi phục san hô ở Hòn Mun không hề dễ dàng. “Để nuôi được một rạn san hô thành công có khi phải mất tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm”, chuyên gia nói. Địa phương cần phối hợp các nhà khoa học khảo sát thực tế để đánh giá nguyên nhân, từ đó đưa ra phương án khôi phục hiệu quả.

Thời gian qua, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang và xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỷ lệ sống đạt trên 60%. Kết quả thử nghiệm được xem góp phần khôi phục các rạn san hô. Tuy nhiên, so với các khu vực phục hồi khác như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo, tỷ lệ sống của san hô cấy nuôi ở vịnh Nha Trang không cao.

Ông An cũng kiến nghị Chính phủ cần thay đổi cách nhìn, chính sách, chiến lược bảo tồn biển phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Để bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, cần sự chung tay của tất cả người dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, để họ không đánh bắt, khai thác thuỷ sản trái phép, tác động xấu hệ sinh thái biển.

Lon nước ngọt bị vứt xuống biển Hòn Mun được các thợ lặn nhặt lên. Ảnh: Văn Đức
Lon nước ngọt bị vứt xuống biển Hòn Mun được các thợ lặn nhặt lên. Ảnh: Văn Đức

Chính quyền cần dừng ngay việc khai thác quá mức tài nguyên biển trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển; mời nhà khoa học lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững. Các công ty du lịch thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn du khách có ý thức bảo vệ môi trường biển.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, nói ngày mai ban quản lý vịnh cùng một số đơn vị liên quan, các nhà khoa học đi khảo sát các khu vực san hô hư hại để đưa ra phương án xử lý. Ban quản lý vịnh được UBND tỉnh giao phối hợp Viện Hải dương học thực hiện việc cấy, nuôi và phục hồi các rạn san hô dưới đáy biển.

Video Player is loading.Replay

Hiện tại 0:32

/

Thời lượng 0:32

Đã tải: 0%

Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Cảnh các rạn san hô ở biển Hòn Mun trước và sau dịch. Video: Đức Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.