Gian truân đời lặn biển: San hô đen – Tiền và máu

Cánh thợ lặn thường kháo nhau không chuyến nào tàu lặn san hô đen lại không trữ một hầm đá lớn dành để ướp xác những thợ lặn xấu số mang về đất liền.Ngoài một số nhuyễn thể đang được các thợ lặn khai thác ào ạt như sò, điệp, bàn mai…, hiện nay san hô đen (cây dương biển) đang là loài thực vật có giá rất cao. Theo một tàu lặn san hô đen, người thợ phải mất nửa tháng cho chuyến đi. Đổi lại khi trở về, một người lặn giỏi có thể kiếm hàng chục triệu đồng.

Liều lĩnh với độ sâu

Giống như khai thác sò, thợ lặn khai thác san hô đen cũng chỉ với những trang bị thô sơ nhưng mỗi người còn phải cầm theo cưa tay bằng sắt để làm… lâm tặc dưới đáy biển.

Chiến, một thợ lặn ở đảo Phú Quý chuyên khai thác san hô đen, cho biết với độ sâu khủng khiếp gần 100 m nước, dù có là thợ lặn kỳ cựu cũng chỉ chịu một hơi 10-15 phút là phải trồi lên. Khi lặn phải đứng dây và người điều khiển van hơi phải điều tiết cho hơi ra từ từ thì thợ lặn mới chịu nổi. San hô đen thường nằm tập trung, có khi rộng chừng vài hecta, thân to bằng ngón tay người lớn, thậm chí to bằng ngón chân cái, da trơn, có cây dài gần chục mét nằm bám rễ vào các rạn đá. Thợ lặn sau khi tiếp cận với san hô, lựa chọn rồi mới dùng cưa triệt hạ, sau đó sẽ giật dây theo quy ước để trên sàn tàu kéo lên. Mô tả thì nghe chừng đơn giản nhưng để lách lưỡi cưa triệt hạ được san hô đen là cả vấn đề.

Theo tài liệu của Viện Hải dương học Nha Trang thì 50-70 m là độ sâu vượt ngưỡng đối với người hít thở không khí khí quyển. Điều đó cho thấy thợ lặn khai thác san hô đen vô cùng liều lĩnh. Gần một năm trở lại đây, san hô đen được người Trung Quốc ưa chuộng, thu mua với giá cao nên nhiều tàu lặn sò đã quay sang khai thác loại này. Cuộc tàn phá cứ diễn ra dù từ năm 2006 san hô đen là một trong 21 loài thủy sản đã được Chính phủ ban hành nghị định cấm khai thác vô thời hạn.

Thuận, người chuyên vận chuyển san hô đen cho những điểm thu mua ở Phan Thiết, cho biết 1 kg san hô đen mang về đất liền được thu mua tại chỗ có giá dao động 1-1,2 triệu đồng/kg. Chỉ cần vận chuyển ra khu vực giáp ranh giữa hai huyện Bắc Bình, Tuy Phong (Bình Thuận), lúc nào cũng có những lái buôn người Trung Quốc mua lại với giá 1,5 triệu đồng/kg. Theo Thuận, những thương lái người Hoa này sau khi mua xong liền cưa san hô thành từng đoạn ngắn, bỏ vào vali mang đi, hoặc gửi theo các xe container chở thanh long sang Trung Quốc nên khó bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong khi đó, tại biên giới Trung Quốc, giá mới nhất mà chúng tôi vừa cập nhật đã lên đến 3,2-3,5 triệu đồng/kg.

truy lung san ho den ca chuc tho lan bo mang 595931

Theo Thuận, có hai loài san hô đen, đó là loài Campuchia và loại san hô Indonesia. Loài san hô Campuchia thường do các thợ lặn ở vùng biển Kiên Giang, Cà Mau khai thác gần đất nước chùa tháp nên gọi nôm na như thế cho dễ hiểu. Thân san hô loài này đầy gai và có đường kính rất nhỏ nên bán được với giá chỉ khoảng 200.000-250.000 đồng/kg. San hô đen Indonesia phải khai thác sát hải phận nước này có thân trơn, đen bóng, kích thước lớn hơn rất đẹp và được các thương lái Trung Quốc tuyên bố có bao nhiêu cũng mua hết. Thuận kể do thường xuyên vận chuyển thuê nên anh được tặng vài chục cành san hô Campuchia, mang về nhà uốn thân san, hô dán hoa giả lên trông khá đẹp mắt.

Thuận cho biết thêm, cành san hô có đường kính to nhất cỡ bằng ngón chân cái người lớn và đặc biệt còn nguyên cả gốc mà từ trước tới giờ anh mới thấy, hiện đang được một người ở Phan Thiết cất giữ. Để trả ơn cho một thầy thuốc khi mình bị giảm áp được cứu sống, một thợ lặn ở đảo Phú Quý đã liều lĩnh xuống đáy biển ở độ sâu 60 m gần một giờ, dùng búa và đục để bứng cả cành san hô độc đáo này về làm quà tặng ân nhân của mình làm kỷ niệm.

Báo động vấn nạn lặn thúng

Ngoài việc lặn chui khai thác san hô đen trái phép, gần đây tại Bình Thuận mà cụ thể là vùng biển Phước Thể (Tuy Phong) lại xuất hiện thêm vấn nạn lặn chui bằng thúng.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Thuận, hiện có khoảng 100 chiếc thúng hoạt động tự phát, trang bị máy và thiết bị lặn để khai thác hải đặc sản trái phép. Khu vực các thuyền thúng hoạt động tại các bãi hải đặc sản phía tây nam cù lao Câu đến mũi La Gàn và chủ yếu khai thác các loài điệp, sò lông, ngao với sản lượng từ 50 đến 150 kg/ngày/thúng.

Theo các ngư dân địa phương, hầu hết các thúng trên được trang bị máy nhỏ có công suất chỉ từ 4 đến 9 CV, vừa làm động cơ đẩy vừa dùng kéo thiết bị nén hơi phục vụ lặn sò. Do đầu tư chi phí thấp nhưng hiệu quả cao hơn nhiều so với đi lặn cho các tàu ngoài khơi nên gần đây việc lặn bằng thuyền thúng đang phát triển hết sức rầm rộ, khó có thể quản lý được trên vùng biển Phước Thể.

photo 1 1492170675021

Biển bạc, đời buồn

Theo ông Nguyễn Minh Quang – Phó phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận, việc thuyền thúng lại trang bị máy lặn là thiếu an toàn, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cạnh đó, các thợ lặn tự phát đều chưa qua lớp tập huấn kỹ thuật lặn, chưa khám sức khỏe nên rất nguy hiểm, khi lặn không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến giảm áp. Hơn nữa, theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hầu hết các thuyền thúng đều hành nghề theo gia đình, cha ngậm ống lặn xuống đáy biển, còn đứa con trên chiếc thúng nhỏ nhoi chưa đủ tuổi thành niên phải vừa kéo sò vừa giữ máy nổ, vừa điều tiết van hơi nên khi có sự cố thường trở tay không kịp và sẽ dẫn đến những thảm cảnh đau lòng. S., một chuyên gia lặn thúng ở Phước Thể, thật thà cho biết nếu bị cấm ở Bình Thuận, cha con anh sẽ sang vùng biển Ninh Thuận. Nếu Ninh Thuận cấm luôn thì cha con anh sẽ hành nghề vào ban đêm vì: “Không tiền lấy đâu sắm sửa ghe tàu lớn trong khi nghề lặn thuyền thúng coi vậy mà kiếm gạo hằng ngày thong thả” – S. phân trần theo kiểu nước đôi.

Nghề lặn đã được xếp vào danh mục 21 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Tuy nhiên, theo các chủ tàu lặn thì từ 30 tuổi trở xuống mới được chấp nhận, còn lớn tuổi hơn phải chấp nhận là thợ lặn chui. Đối với họ, nón lặn, bình dưỡng khí, buồng giảm áp… vẫn còn là giấc mơ quá xa.

Cũng theo Chiến, nhiều thợ lặn do không chịu nổi cảnh tàn phế vì bị giảm áp khi lặn ở độ sâu vượt ngưỡng đã chọn cái chết tiêu cực rất thương tâm. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình, 45 tuổi, ngụ phường Lạc Đạo (TP Phan Thiết). Bị giảm áp khá nặng, liệt cả hai tay, hai chân, nằm một chỗ gần nửa năm trời, đồ đạc, của cải trong nhà bán hết để chữa trị cũng mới chỉ vận động được hai cánh tay. Quẫn trí, anh đã quyên sinh bằng rượu mã tiền (dùng để xoa bóp tay chân). Hay trường hợp của một thợ lặn ở Phước Thể (Tuy Phong) nằm liệt một chỗ cũng đã tự sát để khỏi làm khổ vợ con…

San hô đen thuộc họ Antipathidae, được biết đến từ hàng ngàn năm trước như là nguồn nguyên liệu để chế tác những đồ mỹ nghệ và dược liệu quý dành cho các bậc vua chúa, tu sĩ và quý tộc, được mệnh danh là san hô của vua (king’s coral).

Theo y học cổ truyền, san hô đen vị ngọt, tính bình, có công dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm sáng mắt, an thần và chống co giật. Còn theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường đốt những nhánh san hô đen rồi hít lấy khói để chữa viêm mũi và mài lấy bột chữa bệnh trĩ. Trên thực tế, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu hiện đại nào chứng minh tác dụng cụ thể của san hô đen. Thế nhưng do khởi nguồn từ những niềm tin về vai trò, khả năng sử dụng của san hô đen cũng như sự khan hiếm tự nhiên đã làm cho giá trị của những vật phẩm chế tác từ san hô đen Antipathidae trở lên vô cùng đắt giá.

Vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122 km2 rạn san hô. Nếu hệ sinh thái này bị mất, biển nước ta có nguy cơ không còn tôm cá nữa. Đó là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã khuyến cáo.

Viện Hải dương học Việt Nam cũng cảnh báo: Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Mỗi năm mất hơn 50 tấn san hô, chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số vùng biển khác. Cứ theo đà này, 20 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam.

PHƯƠNG NAM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.