Phú Yên: Nhẹ chân khi đến Hòn Yến

Thời gian qua, danh thắng quốc gia Hòn Yến (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi nơi đây vẫn còn giữ được nét nguyên sơ với hệ sinh thái san hô biển tuyệt đẹp.

Quần thể Hòn Yến được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia cách đây 2 năm. Quần thể này bao gồm Hòn Yến, Hòn Đụn (Hòn Sắt), Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi. Trong đó, Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật của quần thể này với những rạn san hô sống đầy màu sắc bao quanh.

Theo số liệu của Viện Hải dương học Nha Trang, tại vùng biển gần bờ Phú Yên có khoảng 182 loài san hô, riêng tại Di tích danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến có 17 loài sinh sống và phát triển tốt. Đây là một lợi thế lớn để phát triển du lịch ở khu vực này.

Một thời gian dài trước đây, với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của mình, Hòn Yến thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh. Khi thủy triều xuống thấp, những rạn san hô đầy xung quanh Hòn Yến lộ ra, với nhiều màu sắc và hình thù lạ mắt, du khách có thể lội bộ ra đến tận nơi để ngắm san hô cũng như các loài sinh vật biển. Đây chính là nguồn cơn khiến Hòn Yến bị quá tải, nhiều vị trí bị giẫm đạp, hủy hoại dẫn đến san hô bị suy thoái, biến dạng, chết dần chết mòn.

Theo bà Nguyễn Thị Anh, một người dân địa phương, thì khách du lịch đến dã ngoại ở Hòn Yến rất đông, tạo điều kiện cho một số hộ dân địa phương có thêm thu nhập từ việc giữ xe, bán nước uống, đồ ăn vặt… Tuy nhiên, nhiều du khách thiếu ý thức, kéo nhau ra bãi, giẫm đạp lên san hô để chụp hình. “Nhìn san hô ở ngay khu vực danh thắng quốc gia bị xâm hại, người dân địa phương chúng tôi xót xa lắm”, bà Anh nói.

Trước tình hình nói trên Sở VH-TT-DL Phú Yên đã đề nghị địa phương và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, nhắc nhở du khách. Đồng thời cũng nghiên cứu, kêu gọi một số đối tác ở nước ngoài giúp hỗ trợ bảo tồn rạn san hô Hòn Yến để phát triển theo hướng bền vững. Bởi hệ sinh thái san hô là tài nguyên sống còn của quần thể danh thắng này, điểm đến bị tàn phá đồng nghĩa với sức hấp dẫn của du lịch giảm dần. Chưa kể, việc rạn san hô bị hủy hoại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, khó có thể phục hồi.

Hiện nay, sau một thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch Phú Yên đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu nội địa, thu hút du khách bằng những tiềm năng sẵn có của mình. Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, du khách cần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Hãy đi nhẹ, nhón chân thật khẽ khi đến Hòn Yến để không chỉ mình mà còn nhiều người khác cũng được ngắm vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của những hệ sinh thái san hô tự nhiên nơi đây.
Quốc Hùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.