San hô ở Nha Trang bị ‘tẩy trắng’ là vấn đề nghiêm trọng

Chuyên gia hải dương học cho rằng để có một rạn san hô phải mất hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Nếu khu vực nào đó bị “tẩy trắng” thì có thể mãi mãi không hồi phục được.

Mấy ngày nay, dư luận bất ngờ trước hình ảnh hàng trăm m2 san hô ở quanh đảo Hòn Mun – vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị “tẩy trắng”.

Khảo sát cho thấy, dưới đáy biển ở khu vực phía đông bắc, tây nam đảo Hòn Mun phủ một lớp trắng san hô chết rộng hàng trăm m2, hệ sinh thái gần như biến mất, những đàn cá bơi lội không còn. Trong khi đó, trên bờ ở các khu vực này, hàng tấn san hô chết bị sóng đánh dạt, chất đống.

Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160 km2, bao gồm 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo.

Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú đa dạng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây được ví như thiên đường san hô với hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm, ít nơi nào có được.

khu bao ton Nha Trang bi xam hai anh 2
Đảo Hòn Mun – vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Ảnh: Hải Đình.

Khó phục hồi

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô trong vịnh đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất, điều này rất có hại cho tương lai.

Khi xem hình ảnh chụp dưới đáy biển quanh đảo Hòn Mun, PGS.TS An bất ngờ vì không thể tin một quần đảo san hô quý hiếm, đẹp nay bị xóa trắng.

Nói về biến đổi khí hậu, thiên tai, địch họa thì nơi nào trên thế giới cũng có. Vậy tại sao họ vẫn bảo tồn, phát triển được mà chúng ta không thể?

PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang

“Nếu cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa, con người xâm lấn… đều đúng hết. Tôi nghiên cứu nhiều năm nên hiểu được vấn đề này, tuy nhiên không thể cứ mãi đổ lỗi cho thiên tai, địch họa mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế”, PGS.TS An lưu ý.

Ông nhìn nhận phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó.

khu bao ton Nha Trang bi xam hai anh 3
PGS.TS Nguyễn Tác An. Ảnh: Xuân Hoát.

“Vịnh Nha Trang không phải chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà là tài sản của cả thế giới, bằng chứng là nó được công nhận một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Ngoài yếu tố vịnh đẹp, hệ sinh thái dưới biển trong đó có san hô là điều kiện đủ để được công nhận. Mà khi là tài sản chung, chúng ta phải có chính sách, đường lối sao cho phù hợp để bảo tồn, phát triển chứ không thể khai thác quá mức như hiện nay”, PGS.TS An nhấn mạnh.

Vị này cũng cho rằng nguồn lợi thủy sản từ biển thì các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng, nếu mất chúng đi, ta mất chừng đó giá trị lợi nhuận bền vững từ biển.

Nói về rạn san hô ở vùng lõi Hòn Mun, ông An cho rằng cần có một đánh giá khách quan, có khoa học về nguyên nhân thực sự của việc “tẩy trắng”.

“Nói về biến đổi khí hậu, thiên tai, địch họa thì nơi nào trên thế giới cũng có. Vậy tại sao họ vẫn bảo tồn, phát triển được mà chúng ta không thể? Chúng ta không nên nhìn vào nguyên nhân ở mức vi mô, mà phải nhìn rộng ra vĩ mô hơn vấn đề này”, ông An nói.

“Tại các hội thảo khoa học về biển đảo, tôi cũng thẳng thắn trao đổi chúng ta phải thay đổi cách nhìn, chính sách, chiến lược bảo tồn biển”, ông An nói và cho biết ở thời điểm nào đó các chính sách, chiến lược đó có thể đúng, nhưng hiện tại đã không còn phù hợp nữa.

Cần khảo sát, đánh giá khách quan

Trong khi đó, TS Hoàng Xuân Bền, Phó viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, cho rằng muốn xác định san hô ở vùng lõi khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bị “tẩy trắng” là do ảnh hưởng của thiên tai hay do con người, cần có khảo sát trực tiếp.

“Hiện, tôi cũng chưa biết được là do thiên tai hay do con người. Kể cả do thiên tai hay do con người thì đều phải có số liệu, dữ liệu chứng minh. Do đó mình phải ra đến nơi để đánh giá. Đến giờ, khu bảo tồn biển Hòn Mun vẫn là đẹp nhất, đa dạng nhất của vịnh Nha Trang cũng như của cả nước”, TS Bền nói.

Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, giữa tháng 6/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến dịch vụ du lịch giảm mạnh, độ phủ san hô sống lên đến 61%.

Theo ông Thái, thời điểm này một số nhóm cá đang tăng về kích thước và số lượng như cá trác, cá mó, cá hồng, cá chỉ vàng, cá bướm, cá nhồng, cá dìa…

Hàng trăm m2 đáy biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang chết trắng. Ảnh: Xuân Hoát.

khu bao ton Nha Trang bi xam hai anh 4
Hàng trăm m2 đáy biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang chết trắng. Ảnh: Xuân Hoát.

Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết đợt khảo sát đầu năm nay cho thấy chất lượng rạn san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình.

Khu vực tây nam của Hòn Mun có tỷ lệ bao phủ san hô chỉ còn 7,8%, tình trạng rạn được đánh giá rất kém. Toàn bộ san hô 1-3 m bị đánh gãy, đưa lên bờ gần như toàn bộ với diện tích hơn 600 m2. Khu vực đông nam đảo Hòn Mun, độ bao phủ san hô chỉ còn 14,5%, cũng xảy ra tình trạng gãy đổ san hô với diện tích khoảng 300 m2.

Trong khi đó, tại khu vực tây bắc đảo Hòn Mun, san hô chỉ còn 24,6%. Khu vực này mực nước sâu hơn 3 m nên ít xảy ra tình trạng gãy đổ. Còn khu vực đông bắc, tỷ lệ bao phủ san hô cũng chỉ đạt mức 41%. Ở đây san hô 1-3 m vẫn bị gãy đổ hàng loạt, còn san hô ở độ sâu 6-8 m ở Hòn Rơm không bị ảnh hưởng.

Ông Thái cung cấp số liệu cho thấy so sánh với năm 2015, rạn san hộ ở Hòn Mun có độ phủ trung bình giảm nghiêm trọng ở khu vực đông bắc – tây bắc từ 53,7% xuống còn 32,6%. Còn khu vực đông nam – tây nam từ 52,2% xuống còn 11,1%.

Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng thông tin hiện đơn vị đang phối hợp với các viện nghiên cứu để có sự đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và lên kế hoạch phục hồi, bảo vệ rạn san hô ở Hòn Mun.

Phải thay đổi chính sách bảo tồn

Vị tiến sĩ cũng nhấn mạnh Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc và thay đổi chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển ngay từ bây giờ một cách có khoa học, hợp lý để những tài nguyên biển như vịnh Nha Trang được phát triển hết tiềm năng của nó.

“Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung nằm trong khu vực được Luật Di sản và quy định về bảo tồn biển bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu có bất kỳ hoạt động khai thác hay dự án phát triển kinh tế ở đây đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Do vậy việc san hô bị tẩy trắng như hiện nay chắc chắn rất khó phục hồi, mà có được cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc”, ông An nói thêm.

Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng muốn bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, cần sự chung tay của tất cả người dân. “Nhà nước phải đi đầu trong công tác bảo tồn, sau đó phải lo cho được kế sinh nhai cho người dân, bởi khi họ không được đảm bảo chắc chắn sẽ ra biển khai thác và hậu quả thì chúng ta đã biết rồi”, vị tiến sĩ phân tích.

PGS.TS An cho rằng trước mắt cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó phải mời nhà khoa học, lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững.

“Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn”, ông An nhấn mạnh.

Video sẽ chạy sau1HủyCận cảnh san hô chết ở khu bảo tồn Hòn MunĐáy biển ở khu bảo tồn vịnh Nha Trang phủ trắng một lớp san hô chết. Nhà chức trách lý giải nguyên nhân do thiên tai, biến đổi khí hậu thời gian qua.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.