“Cơn lốc” san hô đen

Thời gian gần đây, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển san hô đen trái phép. Đây là một sản vật quý hiếm, đang bị khai thác và buôn bán trái phép, nhưng quy định xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe các đối tượng.

BẮT NHIỀU VỤ VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP

Tối ngày 28-10, Đồn biên phòng 484 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã bắt quả tang một vụ vận chuyển trái phép hơn 1 tấn san hô đen (dương biển) tại bến Ba Thuận, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Vào thời gian trên, Đồn biên phòng 484 đã phát hiện số san hô trên chứa trong 51 bao tải, đang được Trần Văn Tùng (37 tuổi, ngụ tại huyện Xuyên Mộc) bốc lên xe 68H – 2990 do Nguyễn Văn Nở (24 tuổi, quê Kiên Giang) làm chủ. Điều tra ban đầu, số san hô trên là của một phụ nữ (chưa xác định lai lịch) thuê Tùng và Nở bốc xếp, vận chuyển từ một tàu cá không số, neo đậu cách bờ khoảng 600m, đưa vào bến rồi chở đi nơi khác. Khi những người trên đang đưa số san hô lên xe thì bị phát hiện.

Trước đó, vào khoảng 2 giờ 45 phút ngày 9-10, tại khu vực Sao Mai (đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu), Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt quả tang Nguyễn Văn Lũy (sinh năm 1978, ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cùng một số người khác đang vận chuyển khoảng 100kg san hô đen từ dưới tàu cá số BV – 0762 lên xe tải nhẹ biển số 72N – 4206. Qua kiểm tra, Lũy không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào của các cơ quan chức năng cho phép khai thác, vận chuyển, mua bán san hô đen. Theo lời khai, Lũy mua số dương biển trên với giá 100 triệu đồng từ một tàu ngoài biển của một phụ nữ tên là Loan (khoảng 40 tuổi, quê ở Tiền Giang). Lũy cho biết đã từng mua bán san hô đen nhiều lần. Đối tượng mua san hô đen là các thương gia người Trung Quốc. Trước đây, Lũy có quen một người phụ nữ tên “Sáu Điềm”, nhà ở đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Bà Điềm dẫn dắt Lũy mua san hô đen và chỉ cách kinh doanh loại hàng này với phương châm “san hô càng nặng, càng to thì giá trị càng cao”. Lũy đã từng mua được 500kg san hô đen nhưng là loại nhỏ, khi bán lại cho bà Sáu Điềm thì bị lỗ nặng. Sau đó, Lũy không buôn bán với người phụ nữ trên mà chuyển sang “làm ăn” với một chủ ghe lặn ở huyện Gò Công (Tiền Giang). Ngoài Lũy còn có 2 đối tượng cùng đi với Lũy từ Kiên Giang đến Vũng Tàu để mua số dương biển trên là Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1973 ở Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) và Lê Phước Hưng (sinh năm 1974, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, là lái xe).

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 7-8, Đồn Biên phòng 540, huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) phối hợp với Trạm kiểm lâm Bến Đầm phát hiện, bắt quả tang tàu cá BTh 87649 TS đang neo đậu tại vịnh Bến Đầm, do ông Nguyễn Được (36 tuổi, quê Bình Thuận) làm thuyền trưởng đang vận chuyển san hô đen trong 9 bao tải, với khối lượng hơn 300kg. Ông Được khai nhận đã khai thác số san hô đen trên cách huyện Côn Đảo vài chục hải lý.

MỨC XỬ PHẠT QUÁ NHẸ

Theo nhiều ngư dân, trước đây, khi đánh cào, họ thường “bắt” được san hô đen nhưng không biết tác dụng của nó nên bỏ hết. Từ 5 năm trở lại đây, san hô đen được các thương gia người Quảng Đông, Trung Quốc săn lùng mua với giá 2-4 triệu đồng/kg nên loại san hô này đã bị khai thác một cách vô tội vạ.

Một lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hoạt động mua bán san hô đen diễn ra từ nhiều năm nhưng không ai biết và phát hiện. Mới đây, qua tuần tra và tin báo của ngư dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng mới phát hiện và bắt nhiều trường hợp mua bán, vận chuyển san hô đen. Hiện tại, tình trạng khai thác, mua bán san hô đen đang diễn biến phức tạp. Còn Thượng tá Đoàn Văn Xinh, Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay chưa có luật nào quy định để xử lý hình sự những vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển hay khai thác san hô đen mặc dù loại san hô này đã có quyết định cấm khai thác từ lâu. Mức xử phạt hành chính theo Nghị định 128 của Chính phủ đối với các đối tượng vận chuyển, mua bán san hô đen là rất thấp, chưa đủ để răn đe các đối tượng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh BR-VT cho biết: việc đánh bắt san hô đen là trái phép và vi phạm pháp luật. Cũng theo ông Hiển, việc đánh bắt san hô đen sẽ làm hủy hoại các rạng đá, san hô ngầm dưới biển, làm mất cân bằng sinh thái biển, phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh biển.

Bài, ảnh: Đình Thìn

Theo y học cổ truyền, san hô đen vị ngọt, tính bình, có công dụng giải nhiệt tiêu độc, khu ế minh mục (làm sáng mắt), an thần trấn kinh (an thần và chống co giật). Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, ở nước ta và Trung Quốc, người ta thường đốt những nhánh san hô đen rồi hít lấy khói để chữa viêm mũi nói chung và viêm mũi dị ứng nói riêng. Trên thực tế, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu hiện đại nào chứng minh tác dụng cụ thể của san hô đen. Ngoài ra, san hô đen còn là nguyên liệu chế tác nhiều mặt hàng mỹ nghệ, đồ trang sức.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Popular

spot_img

More from author

Mê mẩn bãi san hô lộ thiên ở Quảng Ngãi

Kinhtedothi - Khi thủy triều rút, dưới ánh nắng buổi chiều, rạn san hô với những hình dáng, sắc màu đa dạng dần lộ ra, tạo nên cảnh đẹp hiếm có.

RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER PHỤC HỒI MẠNH MẼ | HTV TIN TỨC

Theo Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS), phần lớn diện tích Rạn san hô Vĩ đại đều có mức độ bao phủ san hô lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, rạn san hô này vẫn vô cùng dễ tổn thương trước tình trạng tẩy trắng liên tục.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia đạt độ phủ cao nhất trong 36 năm

VTV.vn - Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.

Các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc có độ phủ san hô cao nhất trong 36 năm

MELBOURNE / SYDNEY (Reuters) – Hai phần ba rạn san hô Great Barrier của Úc có độ phủ san hô nhiều nhất trong 36 năm, nhưng các rạn san hô vẫn bị tẩy trắng hàng loạt ngày càng thường xuyên, một chương trình giám sát dài hạn chính thức đưa tin hôm thứ Năm.